Ngành Thép Đối Mặt Nhiều Khó Khăn

Rate this post

Ngành thép đối mặt nhiều khó khăn

    Tháng 8-2018, lượng tiêu thụ thép tăng so tháng trước nhưng sức tiêu thụ của các nhà máy vẫn chậm, sản lượng tiêu thụ chỉ tập trung vào những công trình đang dở dang. Thêm vào đó, các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) đối với ngành thép liên tục gia tăng đã khiến doanh nghiệp (DN) không tránh khỏi lo lắng, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng xuất khẩu (XK).

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất ống thép tháng 8-2018 của các thành viên VSA đạt 209.959 tấn, tăng 8,4% so tháng 7. Lượng hàng bán ra đạt 210.384 tấn, tăng 10,84% so tháng trước. Sản xuất của ngành thép vẫn duy trì được mức tăng trưởng. Tám tháng đầu năm, lượng sắt thép thô tăng 37,6%; thép cán tăng 6,1%; thép thanh, thép góc tăng 8,9% so cùng kỳ… Tính chung tám tháng, XK sắt, thép tăng mạnh gần 41% về lượng so cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,05 triệu tấn, tương đương 2,99 tỷ USD. Khu vực ASEAN vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt, thép của Việt Nam. Trong đó, thị trường Campuchia chiếm 34,9% trong tổng kim ngạch sắt, thép XK. Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái-lan cũng là những nước nhập khẩu (NK) thép lớn của Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả tương đối khả quan đó, VSA vẫn lo ngại về tình hình ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh ngày càng gay gắt do thép NK thâm nhập mạnh thị trường Việt Nam. Đặc biệt, việc phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước NK khiến XK thép gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Phòng vệ thương mại – PVTM (Bộ Công thương), từ đầu tháng 8 đến nay, ngành thép Việt Nam đã phải đối mặt với gần 10 vụ kiện PVTM. Dù từ trước đến nay, thép vẫn luôn là ngành bị khởi kiện nhiều nhất nhưng với tốc độ tăng “chóng mặt” như hiện nay (tám vụ/tháng, với bảy thị trường khởi kiện), các DN đều không tránh khỏi sự lo lắng. Cụ thể, Bộ Thương mại Thái-lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần hai biện pháp tự vệ (BPTV) đối với thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn. EU áp dụng BPTV tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng BPTV với ba sản phẩm thép của Việt Nam. Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm ống thép hàn cacbon có xuất xứ hoặc NK từ Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng điều tra CBPG đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc NK từ Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn NK từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế. Đồng thời, khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế, CBPG và thuế chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội NK từ Việt Nam do nghi ngờ có lẩn tránh thuế CBPG và chống trợ cấp đối với thép cán nguội NK từ Hàn Quốc…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc gia tăng các vụ kiện PVTM là điều tất yếu khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, nhưng việc các thị trường quen thuộc trong ASEAN như: Thái-lan, Malaysia… cũng khởi xướng các vụ kiện là thực trạng đáng lo ngại. Vì vậy, cùng việc hỗ trợ DN trong các vụ việc điều tra, Bộ Công thương khuyến cáo DN ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến tự chủ được các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Ngành công nghiệp thép trong nước phải cố gắng khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm thiểu việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa cho biết, khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên rầm rộ, ngành thép Việt Nam bị nhiều thị trường khởi xướng kiện PVTM. Những vụ kiện này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng XK của thép Việt Nam. VSA sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các DN để thông tin về thị trường và đề nghị Bộ Công thương đẩy mạnh việc sử dụng công cụ PVTM, nhằm bảo vệ sản xuất thép trong nước…

Mặt khác, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện nay, sản lượng thép của Trung Quốc đạt 803,83 triệu tấn nhưng nhu cầu của nước này chỉ khoảng 672 triệu tấn. Do đó, với lượng thép dư thừa cao, Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, nếu không XK được sang Mỹ, thép Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm tới Việt Nam. Thực tế thời gian qua, theo Tổng cục Hải quan, thép Trung Quốc chiếm tới 48% thị phần thép NK Việt Nam. Điều này càng khiến nhiều nước nghi ngờ thép Trung Quốc “đội lốt” thép Việt Nam để XK, ảnh hưởng xấu hình ảnh thép Việt Nam. Vì vậy, các DN lưu ý khi làm hàng XK sang Mỹ cần hết sức chú ý việc sử dụng nguyên liệu trong nước, tránh bị làm khó, có cớ đánh thuế mạnh lên thép Việt Nam.

Hiện nay, Trung Quốc đang tái cấu trúc ngành công nghiệp thép, tức là cắt giảm sản lượng sản xuất thép, đóng cửa cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu và không bảo đảm môi trường. Vì vậy, các DN thép Trung Quốc đang có chiều hướng đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông – Nam Á như: Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trong khi đó, cơ bản sản xuất thép trong nước đã đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, VSA nêu quan điểm, Nhà nước không nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành thép, có chăng chỉ thu hút đầu tư vào các loại thép cao cấp như thép hợp kim, không gỉ, thép chế tạo.

Nguồn tin: Nhandan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Pin It on Pinterest